Một người Hội An

Người trong hình là GS Dương Quang Trung, hiện làm việc tại Đại học Memorial, Canada. Anh vừa nhận giải thưởng nghiên cứu xuất sắc, kèm khoản tài trợ 8 triệu CAD (5,9 triệu USD) của chính phủ Canada để chủ trì nghiên cứu công nghệ di động không dây thế hệ mới, theo hàng loạt tin từ các báo trong nước.

Giáo sư Trung năm nay 44 tuổi, quê ở Hội An. Anh tốt nghiệp THPT Trần Quý Cáp, Hội An rồi trở thành sinh viên ĐH Bách khoa TP.HCM chuyên ngành Viễn thông.

Đây là bước đầu cho con đường đi ra thế giới của một cậu sinh viên miền Trung.

Tốt nghiệp loại giỏi, anh lập tức thi đậu học bổng toàn phần của Chính phủ Hàn Quốc và lấy bằng thạc sĩ.

Từ Hàn, anh quyết qua châu Âu bằng cách thi đậu học bổng tới Thụy Điển học và có bằng tiến sĩ chuyên ngành Hệ thống viễn thông năm 2012.

Một năm sau, vì có tài anh được nhận vào ngạch Giáo sư của ĐH Queen’s Belfast mà không phải trải qua giai đoạn hậu Tiến sĩ. Đây là một vinh dự lớn vì Queen’s Belfast là một trong 24 trường ĐH hàng đầu của Vương quốc Anh.

6 năm sau, anh được phong giáo sư thực thụ (Full Professor) tại đại học danh giá này. Và Hội Khoa Học Kỹ thuật Hoàng gia Anh Quốc bổ nhiệm anh vào vị trí Chủ tịch nghiên cứu về vấn đề của mạng viễn thông 6G.

Tuy nhiên, giáo sư Trung lại có một bước đi mới khi chuyển qua Canada- Bắc Mỹ làm việc và nhận vinh dự mới nhất tại đại học Memorial cùng món tài trợ khủng cho nghiên cứu ở đây.

Cùng lúc, anh vẫn làm giáo sư thỉnh giảng tại Anh và được phong là giáo sư danh dự cho Đại học Thủy lợi tại VN.

Chương trình cấp tài trợ cho giáo sư Trung là Canada Excellence Research Chair (CERC) năm nay trao cho 34 học giả trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Mỗi nhà khoa học sẽ được nhận tài trợ nghiên cứu với hai mức, 4 hoặc 8 triệu CAD (khoảng 71-143 tỷ đồng). Tổng tài trợ là 248 triệu CAD, được rót trong 8 năm. Đây là một trong những chương trình uy tín và hào phóng nhất trong giới nghiên cứu. Và giáo sư Trung đã giành được món tài trợ lớn nhất là 8 triệu CAD trong 8 năm ( 5,9 triệu usd).

Trước đó, giáo sư Trung từng nhiều lần nhận các giải thưởng và số tiền tài trợ nghiên cứu khủng tại Anh. Vào năm 2017, anh từng nhận giải thưởng Newton Prize cho nghiên cứu xuất sắc của chính phủ Anh. Anh cũng ba lần được vinh danh cho nghiên cứu xuất sắc nhất tại hội nghị thông tin di động lớn nhất thế giới (IEEE Globecom) vào các năm 2016, 2019 và 2022.

Số tiền tài trợ mà giáo sư Trung từng nhận là 34 triệu USD. Riêng năm 2022, nhóm nghiên cứu do GS Trung dẫn dắt cùng một số nhóm khác được chính phủ Anh tài trợ 12 triệu bảng (15,2 triệu USD) để phát triển các công nghệ cho mạng di động mới, linh hoạt và có khả năng mở rộng hơn ngoài 5G và 6G.

Giáo sư Trung là một trong các nhà khoa học được thế giới chú ý vì các nghiên cứu liên quan tới mạng 6G cho tương lai. Anh đã có 2 công trình xuất sắc là “Ứng dụng lý thuyết trò chơi trong nghiên cứu tối ưu hóa tích hợp mạng vệ tinh – mặt đất cho mạng 6G” và “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giải quyết bài toán về băng thông rộng cho mạng 6G”.

Một người Hội An ưu tú, xin chúc mừng giáo sư và gia đình.

CUỘC ĐỜi BI KỊCH CỦA “NGƯỜI PHỤ NỮ ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI” PHÁT MINH RA WIFI

Mẹ đẻ của nền tảng công nghệ tiền thân của Wifi, GPS và Bluetooth – Hedy Lamarr là một phụ nữ đi trước thời đại.

Bà là một nữ diễn viên xinh đẹp của Hollywood, thu hút khán giả bằng tài năng.

Không chỉ vậy Lamarr cũng là một nhà phát minh phát triển công nghệ truyền thông không dây hiện đại. Tuy nhiên, cuộc đời của bà tràn ngập cả danh vọng và bi kịch.

Sự nghiệp điện ảnh lẫy lừng:

Lamarr sinh vào năm 1914 tại thủ đô Viên, Áo. Bà là con gái của gia đình gốc Do Thái và cha là một giám đốc ngân hàng thành đạt.

Lamarr sớm thể hiện niềm yêu thích với diễn xuất và xuất hiện trong bộ phim đầu tiên “Geld auf der Strasse”, ở tuổi 16. Bà tiếp tục học diễn xuất tại Trường Sân khấu Max Reinhardt ở Berlin (Đức), nơi bà gặp và kết hôn với người chồng đầu tiên, một doanh nhân giàu có tên Friedrich Mandl.

Mandl là một tay buôn vũ khí và tham gia các thương vụ mua bán vũ khí cho Đức quốc xã và các chính phủ phát xít ở châu Âu, theo The US National Archives. Lamarr đã tháp tùng ông trong nhiều chuyến công tác và biết rõ những cuộc trò chuyện của ông với các nhà lãnh đạo quân sự và nhà khoa học. Việc tiếp xúc với giới công nghệ quân sự sau này đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp của Lamarr với tư cách là một nhà phát minh.

Cuộc hôn nhân của Lamarr và Mandl gặp nhiều sóng gió và cuối cùng Lamarr phải trốn đến Paris, Pháp để theo đuổi sự nghiệp diễn xuất. Bà đã xuất hiện trong một số bộ phim của Pháp trước khi thu hút sự chú ý của nhà sản xuất Hollywood Louis B. Mayer, người đã đề nghị bà ký hợp đồng với hãng phim MGM vào năm 1937. Lamarr đến Mỹ mà không biết tiếng Anh và phải học ngôn ngữ này một cách nhanh chóng để thành công ở Hollywood.

Những bộ phim đầu tiên của Lamarr đều thành công và bà nhanh chóng nổi tiếng với vẻ đẹp và tài năng của mình. Bà đóng vai chính trong nhiều bộ phim trong suốt những năm 1940, bao gồm “Algiers” (1938), “Ziegfeld Girl” (1941) và “Samson and Delilah” (1949).

Sự nghiệp diễn xuất của Lamarr ghi dấu ấn sâu sắc, nhưng niềm đam mê thực sự của Lamarr là dành cho khoa học và công nghệ.

“Mẹ đẻ” của nền tảng công nghệ Wifi, Bluetooth, GPS:

Không ưa thích những buổi tiệc tùng và giao du với giới Hollywood hào nhoáng, Hedy Lamarr đã dành hàng đêm để mày mò, xây dựng và thử nghiệm trong nhà xưởng.

Là một người gốc Do Thái, Lamarr luôn mang trong mình mong muốn giúp Lực lượng Đồng Minh đánh bại Đức quốc xã.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Lamarr đã đồng phát triển một hệ thống dẫn đường vô tuyến cho ngư lôi của quân Đồng minh sử dụng công nghệ trải phổ và nhảy tần để tránh gây nhiễu tín hiệu dẫn đường của ngư lôi, theo The Guardian. Đáng tiếc, phát minh của Lamarr đã không được Hải quân Mỹ sử dụng trong Thế chiến thứ II, nhưng đã được dùng trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba (1962).

Quan trọng hơn, phương pháp chuyển đổi tần số này đã đặt nền móng cho các công nghệ liên lạc không dây hiện đại sau này như Bluetooth, Wi-Fi và GPS.

Bi kịch bị ngó lơ:

Trên thực tế, những đóng góp cho khoa học của Lamarr phần lớn bị ngó lơ vào thời điểm đó và bà ít được công nhận cho công việc của mình. Cái bóng của vai diễn quá lớn khiến nhiều người bỏ qua những đóng góp của bà cho công nghệ hiện đại.

Sau chiến tranh, Lamarr phải vật lộn để tìm kiếm chỗ đứng với tư cách là một nhà phát minh. Bà tiếp tục nghiên cứu những phát minh mới, nhưng những ý tưởng thường bị coi là lời nói “gió thoảng” của một nữ diễn viên xinh đẹp.

Phát minh công nghệ vô tuyến của Lamarr không được biết đến rộng rãi cho đến khi bà gần cuối đời, vào cuối những năm 1990 và đặc biệt thu hút sự chú ý hơn khi cáo phó của bà được công bố vào năm 2000. Kể từ đó, tin tức đã lan rộng và Lamarr đã trở thành một biểu tượng của phụ nữ trong khoa học.

Lamarr cũng phải đối mặt với một chuỗi bi kịch đời sống cá nhân. Bà đã kết hôn 6 lần và luôn kết thúc bằng ly hôn. Bà có 3 đứa con, trong đó có 1 người có chẩn đoán mắc chứng tự kỷ.

Mặc dù thành công với tư cách là một nữ diễn viên và nhà phát minh, Lamarr đã thực hiện một số khoản đầu tư và thường xuyên mắc nợ. Bà buộc phải bán nhiều tài sản để trả nợ. Bà cũng đã bị bắt nhiều lần vì các tội liên quan đến ma túy.

Năm 2000, Hedy Lamarr qua đời cô đơn trong một căn hộ nhỏ ở bang Florida (Mỹ). Di sản của Lamarr với tư cách là một biểu tượng Hollywood và nhà phát minh đột phá vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho những người theo đuổi kiến thức và đạt thành tựu bên ngoài lĩnh vực chuyên môn của họ.