Một người Hội An

Người trong hình là GS Dương Quang Trung, hiện làm việc tại Đại học Memorial, Canada. Anh vừa nhận giải thưởng nghiên cứu xuất sắc, kèm khoản tài trợ 8 triệu CAD (5,9 triệu USD) của chính phủ Canada để chủ trì nghiên cứu công nghệ di động không dây thế hệ mới, theo hàng loạt tin từ các báo trong nước.

Giáo sư Trung năm nay 44 tuổi, quê ở Hội An. Anh tốt nghiệp THPT Trần Quý Cáp, Hội An rồi trở thành sinh viên ĐH Bách khoa TP.HCM chuyên ngành Viễn thông.

Đây là bước đầu cho con đường đi ra thế giới của một cậu sinh viên miền Trung.

Tốt nghiệp loại giỏi, anh lập tức thi đậu học bổng toàn phần của Chính phủ Hàn Quốc và lấy bằng thạc sĩ.

Từ Hàn, anh quyết qua châu Âu bằng cách thi đậu học bổng tới Thụy Điển học và có bằng tiến sĩ chuyên ngành Hệ thống viễn thông năm 2012.

Một năm sau, vì có tài anh được nhận vào ngạch Giáo sư của ĐH Queen’s Belfast mà không phải trải qua giai đoạn hậu Tiến sĩ. Đây là một vinh dự lớn vì Queen’s Belfast là một trong 24 trường ĐH hàng đầu của Vương quốc Anh.

6 năm sau, anh được phong giáo sư thực thụ (Full Professor) tại đại học danh giá này. Và Hội Khoa Học Kỹ thuật Hoàng gia Anh Quốc bổ nhiệm anh vào vị trí Chủ tịch nghiên cứu về vấn đề của mạng viễn thông 6G.

Tuy nhiên, giáo sư Trung lại có một bước đi mới khi chuyển qua Canada- Bắc Mỹ làm việc và nhận vinh dự mới nhất tại đại học Memorial cùng món tài trợ khủng cho nghiên cứu ở đây.

Cùng lúc, anh vẫn làm giáo sư thỉnh giảng tại Anh và được phong là giáo sư danh dự cho Đại học Thủy lợi tại VN.

Chương trình cấp tài trợ cho giáo sư Trung là Canada Excellence Research Chair (CERC) năm nay trao cho 34 học giả trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Mỗi nhà khoa học sẽ được nhận tài trợ nghiên cứu với hai mức, 4 hoặc 8 triệu CAD (khoảng 71-143 tỷ đồng). Tổng tài trợ là 248 triệu CAD, được rót trong 8 năm. Đây là một trong những chương trình uy tín và hào phóng nhất trong giới nghiên cứu. Và giáo sư Trung đã giành được món tài trợ lớn nhất là 8 triệu CAD trong 8 năm ( 5,9 triệu usd).

Trước đó, giáo sư Trung từng nhiều lần nhận các giải thưởng và số tiền tài trợ nghiên cứu khủng tại Anh. Vào năm 2017, anh từng nhận giải thưởng Newton Prize cho nghiên cứu xuất sắc của chính phủ Anh. Anh cũng ba lần được vinh danh cho nghiên cứu xuất sắc nhất tại hội nghị thông tin di động lớn nhất thế giới (IEEE Globecom) vào các năm 2016, 2019 và 2022.

Số tiền tài trợ mà giáo sư Trung từng nhận là 34 triệu USD. Riêng năm 2022, nhóm nghiên cứu do GS Trung dẫn dắt cùng một số nhóm khác được chính phủ Anh tài trợ 12 triệu bảng (15,2 triệu USD) để phát triển các công nghệ cho mạng di động mới, linh hoạt và có khả năng mở rộng hơn ngoài 5G và 6G.

Giáo sư Trung là một trong các nhà khoa học được thế giới chú ý vì các nghiên cứu liên quan tới mạng 6G cho tương lai. Anh đã có 2 công trình xuất sắc là “Ứng dụng lý thuyết trò chơi trong nghiên cứu tối ưu hóa tích hợp mạng vệ tinh – mặt đất cho mạng 6G” và “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giải quyết bài toán về băng thông rộng cho mạng 6G”.

Một người Hội An ưu tú, xin chúc mừng giáo sư và gia đình.

Jaime Escalante

Jaime Escalante bên những học sinh đầu tiên đã vào được những tường danh tiếng của Mỹ.

Thầy giáo đã đưa 400 học sinh vào những trường danh tiếng nhất nước Mỹ.

Cuộc đời huyền thoại của thầy giáo Jaime Escalante đã được dựng thành phim bộ phim “Stand and Deliver” năm 1988, gây tiếng vang khắp thế giới.

Sinh năm 1930, sau khi tốt nghiệp đại học, Jaime Escalante làm giáo viên dạy Toán tại một trường địa phương ở Bolivia.

Năm 34 tuổi, ông đến Los Angeles, Mỹ, nhưng không xin được việc bởi không biết tiếng Anh. Mỹ cũng không công nhận chứng chỉ giáo viên của Bolivia.

Jaime Escalante bắt đầu đi học tiếng Anh trong lúc làm việc bán thời gian như rửa bát, sửa chữa máy tính… để theo học Đại học California.

Mất 10 năm mới có được chứng chỉ giáo viên, Jaime Escalante đến nhiều trường xin phỏng vấn nhưng đều bị từ chối. Cuối cùng, ở tuổi 44, ông trở thành giáo viên dạy Toán tại trường trung học Garfield High, một trong những trường thiếu thốn nhất ở Los Angeles, California.

Vừa bước vào lớp, bao nhiêu hy vọng sau 10 năm được tiếp tục đứng trên bục giảng của Jaime Escalante hoàn toàn sụp đổ. Bàn ghế, cửa sổ xộc xệch, học sinh ăn mặc kỳ quái, hét lớn: “Chúng tôi không muốn học Toán, chỉ muốn học giáo dục giới tính”. Nhiều học sinh còn thách thức: “Biến đi, thầy không được chào đón ở đây”.

Sau khi tìm hiểu, Jaime Escalante biết học sinh trong lớp đều xuất thân từ những gia đình nghèo khó, chỉ thích đánh nhau và quậy phá. Lúc đó, ông nhận ra lý do mà nhiều giáo viên trong trường thà nghỉ việc còn hơn là phải dạy lớp này.

Jaime Escalante lúc đầu cũng chỉ hy vọng thời gian nhanh trôi để kết thúc lớp học sinh cá biệt này, nhưng dần nhận ra những đứa trẻ không xấu như ông tưởng. Gia đình chúng có hoàn cảnh đặc biệt nên không dạy dỗ cẩn thận. Sự buông bỏ của nhà trường và sự thờ ơ của phụ huynh đã khiến trẻ cảm thấy bất an, thích làm loạn để gây sự chú ý, lâu dần trở thành thói quen xấu.

“Nếu bạn giáo dục con mình như một kẻ thất bại, tương lai chắc chắn chúng sẽ thành kẻ thất bại. Nếu bạn giáo dục chúng như một người chiến thắng, tương lai trẻ sẽ trở thành người thành công”, Jaime Escalante từng nói.

Người thầy sau đó quyết định không thể chỉ ngồi nhìn mà phải đưa những đứa trẻ đi đúng đường. Việc đầu tiên ông làm là tìm hiểu tâm lý học sinh trong lớp. Bởi học sinh đều có lòng tự trọng mạnh mẽ và mong muốn được công nhận, nên Jaime Escalante chuyển dạy học từ thụ động sang chủ động. Ông dán nhiều khẩu hiệu cổ vũ trong lớp và ảnh của những ngôi sao thể thao trên tường. Trước khi vào lớp, ông khuyến khích học sinh khởi động và nhảy múa như một đội cổ vũ bóng bầu dục khiến tinh thần phấn chấn.

Để thu hút học sinh nghe giảng, Jaime Escalante hiểu rằng những phương pháp dạy nghiêm túc sẽ không có tác dụng. Nhằm thu hẹp khoảng cách với học sinh, ông đã dạy theo cách mà chúng thích, ví dụ xưng hô như một ông trùm xã hội đen với những học sinh thích bạo lực. Ông ví trục x và trục y như một võ đài nơi mọi người sẽ đấm đá với nhau, và cứ thế những phương trình, công thức được ông truyền tải theo một cách hài hước nhất có thể.

Đôi khi để kích hoạt không khí lớp học, Jaime Escalante còn hóa trang cosplay, chơi các trò tương tác hay đội những chiếc mũ hài hước nhiều màu sắc để kể những chuyện cười mà ông tích lũy lâu nay. Mục đích chính của ông là để học sinh nghe và chú ý tới mình.

Có lần ông mặc đồng phục đầu bếp và cầm một con dao làm bếp vào lớp học. Bên dưới học sinh ngồi im thin thít, mọi con mắt đều nhìn chằm chằm vào người thầy. Lúc này, Jaime Escalante lấy ra một quả táo. Thực ra ông muốn giải thích phép chia toán học theo cách này. Từ đó, mỗi tiết học toán của ông đều khiến cho học sinh cảm thấy thoải mái và hứng thú hơn.

Dù hóm hỉnh, hài hước, Jaime Escalante cũng yêu cầu học sinh phải tuân thủ các quy tắc trong lớp. Nếu học sinh đến muộn hoặc gây rối trật tự, ông cũng có những hình phạt tương xứng. “Là giáo viên phải luôn tâm huyết, học sinh sẽ thấy được nhiệt huyết của mình, như vậy mới đủ điều kiện để đánh thức lòng ham học hỏi chúng”, Jaime Escalante nói.

Dần dần, khi hòa nhập được với học sinh, Jaime Escalante nghe được lời tâm sự: “Ở đây chưa ai trúng tuyển đại học. Nhà nghèo, trường tồi, không còn hy vọng gì nữa. Thầy ơi xin đừng lãng phí nỗ lực của mình”. Tuy nhiên, Jaime Escalante khẳng định: “Nếu em không thể nhìn thấy hy vọng, hãy để tôi trao nó cho em, bởi vì tôi là một giáo viên”.

Để hiện thực hóa ước mơ, Jaime Escalante khuyến khích học sinh học theo chương trình AP, cuộc thi dành riêng cho học sinh THPT lớp 11 và 12. Những học sinh theo học chương trình và đạt điểm số cao trong kỳ thi này sẽ dùng kết quả để chứng minh với hội đồng xét tuyển mình có đủ khả năng học thuật cho chương trình đại học và cao học. Ở Mỹ thời điểm đó, chỉ có 2 trường mở khóa học AP, cũng thường chỉ dành cho con nhà khá giả ở các trường tư thục.

Jaime Escalante quyết định tự mình mở lớp học bồi dưỡng. Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Giáo viên trong trường nói rằng đây đều là những học sinh kém, không thể thay đổi, còn phụ huynh cho rằng học Toán chẳng để làm gì, bọn trẻ nên ra ngoài kiếm tiền càng sớm càng tốt.

Tuy vậy, Jaime Escalante vẫn không bỏ cuộc. Ông khẳng định, không bao giờ được nghĩ học sinh không thể tiếp thu, chỉ cần có nhiệt huyết và phương pháp đúng đắn, giáo viên hoàn toàn có thể biến những học trò ngỗ nghịch nhất thành cần cù, hiếu học.

Ông đã dành cả thứ bảy, chủ nhật để bồi dưỡng cho học sinh muốn học AP. Những buổi đầu với học sinh vốn có nền tảng kém, Jaime cảm thấy rất vất vả, phải giảng đi giảng lại nhiều lần. Để tăng tính kỷ luật và sự quyết tâm, ông quy định học sinh đến trường sớm một tiếng và ra về muộn 2 tiếng vào các ngày trong tuần. Các lớp học cũng phải tiếp tục vào cuối tuần và ngày nghỉ.

“Nếu không liên tục cố gắng thì chẳng có thiên tài nào cả”, Jaime thường nhắc nhở học sinh. Ông cũng nói học sinh chỉ cần mang theo một thứ duy nhất mỗi ngày, đó là khát vọng thành công. Và nhiệm vụ của ông là khơi dậy khát vọng đó. Cuối cùng điều kỳ diệu đã xảy ra. Một năm sau, tất cả 18 học sinh trong lớp đều vượt qua kỳ thi AP.

Jaime và lũ trẻ ôm nhau khóc, bởi 18 học sinh sẽ được nhận vào 10 trường đại học hàng đầu của Mỹ. Nhưng lúc này, Viện Khảo thí Giáo dục Mỹ (ETS) nghi ngờ nhóm học sinh gian lận, hủy kết quả thi. Họ kết luận không thể có một trường học kém chất lượng lại có tới 18 học sinh vượt qua bài kiểm tra AP.

Khi biết tin, Jaime kiến nghị để cho học sinh của mình thi lại và nhận được sự đồng ý của ETS. Một lần nữa, cả 18 em đều vượt qua bài kiểm tra và tự tin bước vào những trường đại học tốt nhất của Mỹ.

Với thành công này, Jaime có cơ hội dạy học tại những trường chuyên và nổi tiếng, nhưng ông từ bỏ và vẫn dạy ở ngôi trường cũ. Trong hơn 35 năm dạy tiếp theo, ông tiếp tục đào tạo hơn 400 học sinh ưu tú đậu vào những trường nổi tiếng thế giới trong nhóm Ivy League, MIT và Harvard.

Jaime Escalante đã giành được “Giải thưởng Jefferson”, “Giải thưởng tinh thần tự do” và “Giải thưởng giáo dục xuất sắc” do Tổng thống Reagan trao tặng.

Jaime Escalante (giữa) nhận giải thưởng Teach Freedom Award do Tổng thống Reagan trao tặng.

Carl Friedrich Gauss.

Vào một ngày đẹp trời năm 1796, trong trường Đại học Gottech ở nước Đức, một chàng trai trẻ 19 tuổi sau khi ăn xong cơm tối liền bắt đầu làm 3 đề toán đã được giáo viên hướng dẫn giao riêng mỗi ngày.

Chàng trai có năng khiếu trời phú về môn toán, vì vậy nên giáo viên hướng dẫn gửi gắm tất cả hi vọng vào cậu ta, mỗi ngày đều giao thêm cho cậu 2 đề toán tương đối khó để rèn luyện.

Trong tình huống thông thường, cậu ta sẽ hoàn thành phần bài tập đặc biệt này trong vòng 2 tiếng đồng hồ.

“Sao hôm nay thầy giáo lại giao thêm cho mình 1 đề thế này?” Chàng thanh niên vừa mở vở bài tập ra vừa lẩm bẩm, anh chàng cũng không nghĩ nhiều, bắt đầu bắt tay vào làm bài tập.

Cũng giống như bình thường, 2 đề trước cậu ta hoàn thành vô cùng thuận lợi trong vòng hai tiếng. Đề thứ 3 được viết trên một mảnh giấy nhỏ, yêu cầu chỉ dùng compa và một cái thước kẻ không có khắc độ vẽ ra một hình có đúng 17 cạnh.

Anh chàng không hề để ý, bắt đầu làm giống như làm hai đề trước đó. Tuy nhiên, càng làm thì càng cảm thấy tốn sức, cậu ta bắt đầu nghĩ rằng, có lẽ giáo viên thấy mình ngày nào cũng hoàn thành bài tập một cách dễ dàng nên lần này đặc biệt tăng độ khó lên mà thôi.

Nhưng mỗi giây mỗi phút trôi qua, đề toán thứ ba vẫn không có một chút tiến triển gì. Chàng trai vắt óc cũng nghĩ không ra kiến thức toán học hiện tại nào của bản thân có thể vận dụng để giải được đề toán này.

Khó khăn khơi dậy ý chí chiến đấu của chàng thanh niên: Mình nhất định phải giải được! Anh chàng cầm compa và thước kẻ vẽ lên giấy, thử những phương pháp thường dùng để giải đề toán này…

Cuối cùng, khi ánh bình minh đầu tiên chiếu vào ô cửa sổ, anh chàng đã thở một hơi thật dài, loay hoay mãi, cuối cùng cũng đã giải được đề toán khó này rồi!

Khi gặp được giáo viên hướng dẫn, chàng trai cảm thấy có một chút hổ thẹn và tự trách mình. Cậu ta nói với thầy giáo: “Thầy giao cho em đề toán thứ ba em đã phải làm tròn một đêm, em đã phụ sự bồi dưỡng của thầy rồi…”

Giáo viên hướng dẫn cầm quyển bài tập của chàng trai, vừa xem qua ông đã ngây người, vô cùng kinh ngạc.

Thầy giáo nói với anh chàng bằng giọng run run: “Bài này là do em làm thật sao?”

Anh chàng biểu lộ sự nghi hoặc trên khuôn mặt, nhìn người thầy đang có biểu hiện khác lạ, trả lời: “Đương nhiên rồi, nhưng có lẽ em còn kém cỏi, phải mất một đêm em mới giải được bài toán đó.”

Thầy giáo bảo chàng trai ngồi xuống, lấy compa và thước kẻ ra, trải giấy lên trên mặt bàn rồi bảo cậu ta vẽ một hình có đúng 17 cạnh ở trước mặt mình.

Chàng trai nhanh chóng vẽ ra một hình có đầy đủ 17 cạnh. Thầy giáo vô cùng kích động nói với cậu học sinh của mình: “Em có biết hay không, em đã giải được bài toán chưa ai giải được và nó có lịch sử hơn 2000 năm rồi? Archimedes không giải được, Isaac Newton cũng không giải được, em lại có thể giải được nó trong một đêm! Em đúng là một thiên tài!

Gần đây thầy đang nghiên cứu bài toán khó này, hôm qua lúc chuẩn bị giao bài tập cho em, vì không cẩn thận nên đã kẹp mảnh giấy có ghi bài toán này vào trong phần bài tập của em.”

Nhiều năm sau, chàng trai này mỗi khi nhớ lại câu chuyện đó đều nói: “Nếu có người nói cho tôi biết đó là một đề toán khó, có lịch sử hơn 2000 năm chưa ai giải được, tôi sẽ không thể giải được nó trong vòng một đêm.” Chàng thanh niên này chính là “hoàng tử của các nhà toán học” lừng danh Carl Friedrich Gauss.

Carl Friedrich Gauss là nhà toán học, nhà vật lí học, nhà thiên văn học, nhà trắc lượng học, được sinh ra ở Brunswick, mất ở Göttingen, hưởng thọ 77 tuổi. Ông được đánh giá và một trong những nhà toán học quan trọng nhất trong lịch sử.

Có một số việc, khi không biết rõ nó khó khăn đến mức độ nào, chúng ta có thể sẽ làm tốt hơn, như người ta vẫn thường nói: “Người không biết sẽ không sợ”. Hay nôm na là : điếc không sợ súng!

PS: Thật ra, đây là một câu chuyện bịa.
Gauss hoàn toàn không dùng công cụ dựng hình.

Sau đây là minh chứng
https://www.jstor.org/stable/pdf/2972265.pdf?fbclid=IwAR3KuuIECYQVsT4HBAZthk_1yIa4ke7Zef4kyBZLt-ylA2UzwwgFWy-QzHg